Tảo hôn là gì? Những hệ lụy của Tảo hôn và biện pháp xử lý của Pháp Luật Việt Nam

Tảo hôn là gì? Cơ sở pháp lý trong pháp luật Việt Nam là gì? Những hệ lụy mà Tảo hôn gây ra như thế nào cho nhiều khía cạnh của xã hội, kinh tế, … Và tảo hôn sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam như thế nào? 

Tất cả sẽ được tổng hợp dưới bài viết này. Nếu bạn đang quan tâm về vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết của chúng tôi.

Thuật ngữ “Tảo hôn” đã quá quen thuộc đối với Việt Nam chúng ta, đặc biệt trường hợp này cực kỳ phổ biến tại các miền núi, vùng sâu vùng xa nơi chưa phát triển, với những tư duy, nhận thức còn lạc hậu. Tuy nhiên, hiện nay, tập tục tảo hôn đang dần dần biến mất ở nhiều khu vực nhờ sự tuyên truyền và giáo dục của nhà nước.

Tảo hôn là gì? Cơ sở pháp lý của tảo hôn

Tảo hôn là gì? Cơ sở pháp lý của tảo hôn
Tảo hôn là gì? Cơ sở pháp lý của tảo hôn

Tảo hôn là gì?

Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân Gia đình 2014.

Ta có thể hiểu đơn giản tảo hôn là việc hai bên nam nữ kết hôn với nhau khi một hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, tức nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi, nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi. Trên thực tế, có trường hợp tảo hôn có đăng ký kết hôn và tảo hôn không đăng ký kết hôn. Người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ bị xử lý theo Điều 145 bộ luật hình sự.

Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) …”

Cơ sở pháp lý của tảo hôn trong pháp luật Việt Nam là gì?

Những vấn đề của Tảo hôn được pháp luật Việt Nam trong 3 văn bản pháp lý dưới đây:

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật Hình sự năm 2015
  • Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

Hậu quả của việc tảo hôn

Hậu quả của việc tảo hôn
Hậu quả của việc tảo hôn

Không ít trường hợp tảo hôn do bị cưỡng ép hay gia đình sắp đặt nhưng vẫn có những trường hợp tảo hôn, đến với nhau vì tình yêu, sự tự nguyện của 2 bên. Tuy nhiên, việc kết hôn sớm sẽ đem đến nhiều hậu quả khó lường mà trước hết đó chính là đối với bản thân của từng người và tiếp đến là những vấn đề liên quan đến xã hội, kinh tế, … Cụ thể như sau:

  • Về sức khỏe: Những đặc tính sinh lý và chức năng sinh sản sẽ được hoàn thiện khi chúng ta đủ 18 tuổi. Tảo hôn đồng nghĩa với việc sức khỏe của nữ giới sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai sớm hoặc sây thai. Những đứa trẻ có mẹ dưới tuổi quy định kết hôn là 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân hoặc chết non hơn những đứa trẻ khác.
  • Về môi trường giáo dục: Những đối tượng bị ép buộc phải kết hôn sớm ít khi được tiếp tục việc học hành, cản trở họ có hy vọng về sự độc lập, cản trở họ được tiếp thu những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em;
  • Về kinh tế: Không thể phủ định rằng ở những nơi mà tảo hôn phát triển thì đa số đều thuộc vùng đói nghèo, kinh tế chậm phát triển và hơn nữa khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo sẽ ngày càng tăng cao.
  • Về mặt xã hội: Những đôi kết hôn sớm thường sẽ có tỷ lệ sinh đẻ rất cao, vỡ kế hoạch hóa gia đình, … Những việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển xã hội do ảnh hưởng của chất lượng dân số, một xã hội mà tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, thiểu năng về trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật lớn sẽ là gánh nặng cho xã hội.

Tảo hôn có vi phạm pháp luật không?

Tảo hôn có vi phạm pháp luật không?
Tảo hôn có vi phạm pháp luật không?

Chúng ta có thể thấy tảo hôn là một việc làm mang lại những hệ lụy vô cùng lớn cho bản thân những người tảo hôn, cho gia đình và cho cả xã hội. Do đó pháp luật nước ta đã quy định hành vi tảo hôn là một hành vi vi phạm pháp luật quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cùng các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Theo khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“2. Cấm các hành vi sau đây:

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; …”

Tảo hôn bị xử lý như thế nào?

Tảo hôn bị xử lý như thế nào?
Tảo hôn bị xử lý như thế nào?

Vì là hành vi trái pháp luật gây ra nhiều vấn đề tiêu cực đến đời sống xã hộị nên khi có hành vi tảo hôn sẽ có những phương thức xử lý như sau:

 Hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn

Với trường hợp tảo hôn có đăng ký kết hôn thì việc kết hôn đó là trái pháp luật và có thể bị hủy khi có yêu cầu của những người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. Và theo thủ tục Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án có thẩm quyền xem xét về điều kiện độ tuổi khi kết hôn để xử lý. Việc kết hôn sẽ bị hủy nếu như tại thời điểm xem xét yêu cầu hủy kết hôn, một trong hai bên không đủ điều kiện về độ tuổi hoặc một trong hai bên không yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân đó.

Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.

Xử phạt vi phạm hành chính về tảo hôn

Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những chế tài mà nhà nước áp dụng với hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn.

Theo Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã như sau:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn;

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 trường hợp:

  •  Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn;
  •  Hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, có thể bị xử phạt về hành vi tảo hôn khi Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc bên tảo hôn phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật.

Truy cứu trách nhiệm hình sự về tảo hôn

Truy cứu trách nhiệm hình sự là một trong những chế tài áp dụng với hành vi tảo hôn, để lại hậu quả nghiêm trọng và có cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội tổ chức tảo hôn như sau:

“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”

Theo quy định này, trường hợp tảo hôn bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người thực hiện hành vi tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ điều kiện về độ tuổi để kết hôn đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm. Theo đó, mức xử phạt được quy định là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Kết luận

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025 nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. 

Trên đây là những thông tin liên quan đến “Tảo hôn”, nếu còn bất cứ thắc mắc nào thì đừng ngần ngại để lại bình luận hoặc số điện thoại để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng và nhiệt tình nhất từ đội ngủ nhân viên của Chúng tôi.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *