Chế tài là gì? Và những chế tài trong thương mại hiện nay

Chế tài là gì? Chế tài dân sự là gì? Chế tài thương mại là gì? Chế tài hình sự là gì? Chế tài hành chính là gì? Căn cứ để thực hiện chế tài là gì? Những loại chế tài cụ thể của thương mại bao gồm những loại nào và cơ sở phát sinh, biện pháp từng loại như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết hôm nay!

Trong kinh doanh, giao dịch hay những hành động trong mua bán của hợp đồng, tất yếu sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực hay những sự kiện bất khả kháng mà ta không thể lường trước được. Vì thế pháp luật đã dự liệu và ban hành ra những quy định về biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của 2 bên hay những chế tài nào đó phù hợp để có thể bảo vệ một trong hai bên nếu xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn.

Bài viết này DU AN 600 sẽ đề cập chủ yếu đến các chế tài được đề cập trong luật Thương Mại 2005.

CHẾ TÀI LÀ GÌ? CĂN CỨ ĐỂ THỰC HIỆN CHẾ TÀI

CHẾ TÀI LÀ GÌ? CĂN CỨ ĐỂ THỰC HIỆN CHẾ TÀI
CHẾ TÀI LÀ GÌ? CĂN CỨ ĐỂ THỰC HIỆN CHẾ TÀI

a) Quy phạm pháp luật là gì?

Quy phạm pháp luật được định nghĩa một cách chính xác nhất đó là những quy tắc, chuẩn mực mang tính bắt buộc chung phải thi hành hay thực hiện đối với tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan, và được ban hành hoặc thừa nhận bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cấu tạo của quy phạm pháp luật gồm ba thành phần là giả định, quy định và chế tài.

– Giả định: Đây là bộ phận nêu ra hoàn cảnh, tình huống, địa điểm, thời gian, chủ thể có thể xảy ra trong thực tế mà pháp luật dự liệu được. Theo đó nếu những việc này xảy ra thì các chủ thể đó phải hành động theo quy tắc xử sự mà quy phạm đặt ra dưới phần quy định.

– Quy định: Đây là bộ phận quan trọng, cốt yếu của quy phạm pháp luật và không thể thiếu. Theo đó, ở phần này nêu lên quy tắc xử sự mà mọi người phải thi hành khi xuất hiện những điều kiện mà phần giả định đã đặt ra.

– Chế tài: Là những biện pháp tác động mà Nhà nước sẽ áp dụng đối với chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy tắc xử sự đã được nêu trong phần giả định của quy phạm và cũng là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu khi không thực hiện đúng nội dung tại phần quy định.

b) Chế tài là gì?

Chế tài là một trong ba bộ phận cấu thành một quy phạm pháp luật như được đề cập ở trên. Chế tài là bộ phận xác định các hình thức trách nhiệm pháp lý hay một hình thức cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi có hành vi vi phạm với những quy tắc xử sự chung đã được quy định trong pháp luật và đặc điểm của chế tài đó là luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật..

c) Căn cứ để thực hiện chế tài là gì?

Những căn cứ để áp dụng chế tài áp dụng riêng đối với thương mại, dân sự là:

– Có hành vi vi phạm: Là những hành vi được cho là thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc giao dịch khác. Căn cứ này bắt buộc cần được đưa ra chứng minh trong việc áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài.

– Có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra: Căn cứ này phải được trích dẫn hoặc đưa ra khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại

– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế.

– Yếu tố quan trong cuối cùng đó là có lỗi của bên vi phạm, đây là căn cứ bắt buộc phải có để áp dụng đối với tất cả các loại chế tài.

Những loại chế tài của pháp luật hiện nay

NHỮNG LOẠI CHẾ TÀI CỦA PHÁP LUẬT HIỆN NAY
NHỮNG LOẠI CHẾ TÀI CỦA PHÁP LUẬT HIỆN NAY

a) Chế tài dân sự

Chế tài dân sự là chế tài được áp dụng trong quan hệ dân sự khi đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với các nghĩa vụ dân sự. Đây là hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với một chủ thể.

Chế tài dân sự thường liên quan đến tài sản như buộc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận…hoặc có thể là những biện pháp chế tài khác như buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai…

b) Chế tài thương mại

Chế tài trong hoạt động thương mại là sự gánh chịu hậu quả bất lợi của bên vi phạm hợp đồng trong thương mại gây ra. Trong nhóm này có 6 chế tài mà ta sẽ được tìm hiểu kỹ trong các phần dưới đây.

c) Chế tài hình sự

Chế tài hình sự là bộ phận hợp thành của quy phạm pháp luật hình sự được áp dụng đối với người thực hiện hành vi trái với pháp luật hình sự gây ra và trong đó, chế tài này xác định loại và giới hạn mức độ hình phạt có thể áp dụng.

d) Chế tài hành chính

Chế tài hành chính là một bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính nhằm xác định biện pháp xử lý của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những loại chế tài thương mại cụ thể

NHỮNG LOẠI CHẾ TÀI THƯƠNG MẠI CỤ THỂ
NHỮNG LOẠI CHẾ TÀI THƯƠNG MẠI CỤ THỂ

Theo điều 292 luật thương mai 2005 thì chúng ta có 6 loại chế tài được nêu cụ thể dưới đây

a) Buộc thực hiện đúng hợp đồng:

Căn cứ pháp lý: Điều 297 Luật thương mại 2005

  • Khái niệm:

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. (Khoản 1 Điều 297 Luật thương mại 2005)

  • Trường hợp áp dụng và phương án giải quyết: (Khoản 2, 3, 4,5  Điều 297 Luật thương mại 2005)

– Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng.

– Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng.

– Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.

– Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.

– Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.

  • Quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và các loại chế tài khác ( Điều 299 Luật thương mại 2005)

– Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác.

– Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

b) Phạt vi phạm

Căn cứ pháp lý: Điều 300, 301 Luật thương mại 2005.

  • Khái niệm:

– Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này. ( Điều 300 Luật thương mại 2005)

  • Biểu hiện:

– Bên vi phạm sẽ trả cho bên bị vi phạm 1 khoản tiền nhất định do các bên thỏa thuận trong hợp đồng

  • Mức phạt vi phạm:

– Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này. (Điều 301 Luật thương mại 2005)

c) Bồi thường thiệt hại

Căn cứ pháp lý: Điều 302, 303, 307 Luật thương mại 2005)

  • Khái niệm:

– Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. (Khoản 1 Điều 302 Luật thương mại 2005)

  • Mức bồi thường:

– Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. (Khoản 2, 301 Luật thương mại 2005)

  • Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

(Điều 302 Luật thương mại 2005)

  • Quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại

Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

(Điều 307 Luật thương mại 2005)

d) Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

Căn cứ pháp lý: Điều 308, 309 Luật Thương mại 2005

  • Khái niệm:

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng

  • Trường hợp tạm ngừng:

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

  • Hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng:

1. Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

2. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

e) Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

Căn cứ pháp lý: Điều 310, 311 Luật Thương mại 2005

  • Khái niệm:

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

– Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng

1. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.

2. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

f) Huỷ bỏ hợp đồng.

Căn cứ pháp lý: Điều 312, 313, 314, 315 Luật Thương mại 2005

  • Khái niệm, phân loại:

– Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.

– Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.

– Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

  • Trường hợp áp dụng:

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;

b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

  • Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng

1. Trừ trường hợp quy định tại Điều 313 của Luật này, sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.

2. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.

3. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

Kết luận

Theo những chế tài ở trên ta thấy được rằng giữa các chủ thể khi giao kết hợp đồng có thể thỏa thuận về các chế tài xử lý vi phạm trong bản hợp đồng ký kết giữa các bên.

Khi một trong các bên vi phạm có thể sẽ phải chịu các hình thức chế tài nêu trên trừ trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định.

Nếu các bên không tự nguyện thực hiện có thể yêu cầu Tòa án hoặc trong trường hợp có thỏa thuận trọng tài thì sẽ đề nghị cơ quan rong tài giải quyết.

Và cuối cùng, Chế tài là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho cam kết của các bên khi tham gia các quan hệ dân sự được thực hiện, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường khi mà các yếu tố cạnh tranh là động lực cho sự phát triển của xã hội.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc nào thì hãy để lại bình luận để được DU AN 600 hỗ trợ bạn nhé!

Xem thêm về thiết bị phòng thí nghiệm tại: cholab.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *